[Đơn số 02] Tách trà của Mèo Mùa Hạ: "Ba tạo ra những điều kì diệu"
Tác giả: Mèo Mùa Hạ
Thể loại: Gia đình
Câu chuyện kể về cuộc sống của cô gái mồ côi mẹ Thiên An cùng với người bố hết sức bình thường nhưng lại tạo ra bao điều kì diệu.
Mèo thân mến,
Đây là câu chuyện thứ hai em gửi đến tiệm, và cũng là một câu chuyện rất nhẹ nhàng. Nó giống như một tách trà chiều, khiến cho con người ta thấy ấm áp trong lòng, thư thái hơn và sống chậm lại để biết ơn những điều bình dị, nhỏ bé nhất trong cuộc sống. Chị rất thích ý nghĩa mà câu chuyện mang lại, thế nên chị sẽ đi vào nhận xét phần nội dung trước nhé.
Một đứa trẻ không có mẹ là bất hạnh lớn nhất cuộc đời. Thế nhưng, Thiên An tuy thiếu mẹ nhưng lại được đền đáp bằng tình cha. Người cha tên Phú luôn chăm sóc con gái mình thật tốt, chưa bao giờ đánh mắng con mình. Qua người cha chúng ta thấy được cả hình ảnh người mẹ ân cần, dịu dàng chải tóc cho con, đỡ con từng bước đi, đưa con đi học, an ủi vỗ về khi nó khóc,... Câu chuyện rất nhẹ nhàng, đôi khi chị tưởng như sẽ có một cái cú twist nào đó, một sự việc bất hạnh nào đó xảy đến. Nhưng không. Xuyên suốt hơn ba ngàn từ của truyện, ta thấy được những tháng ngày bình yên, giản dị của cuộc sống hai cha con trong ngôi nhà nhỏ, từ khi An còn là cô bé cho đến khi trưởng thành.
Đến đây, việc chọn một cốt truyện như vậy sẽ có thể khiến độc giả đi theo hai hướng trái ngược nhau. Một là họ sẽ thấy truyện khá... chán. Mọi thứ cứ bình bình, không có cao trào, không có một sự kiện gì đó thú vị. Chỉ đơn giản là kể lại cuộc sống của hai cha con. Thế còn hướng thứ hai? Độc giả theo hướng này sẽ đào sâu hơn một tí, họ sẽ thấy rằng câu chuyện tưởng đơn giản này lại chứa đựng cả một đời người trong đó, có thăng - trầm, có nước mắt và niềm vui. Bên cạnh đó, cốt truyện giản dị này lại rất gần gũi với đời thường, khiến nó "thật" và dễ tiếp cận hơn một câu chuyện quá nhiều nút thắt.
Đối với chị, chị đứng giữa hai hướng. Câu chuyện này đối với chị không thật sự lôi cuốn, tuy nhiên nó mang giá trị nhân văn nhất định, dễ đọc và thật sự mang lại cảm giác ấm áp tình thân. Chị thấy truyện chưa hoàn, thế nên chị mong một sự việc nào đó xảy ra khiến cuộc sống các nhân vật bị đảo lộn; như người mẹ của An trở về chẳng hạn? Tuy nhiên, đến đoạn cuối thì chị lại thấy như đây là một cái kết truyện rồi. Chị muốn hỏi rằng Mèo có định viết tiếp không?
Về cách viết, ở phần mở đầu, Mèo chọn cách đi thẳng vào nhân vật, vấn đề giống như câu chuyện trước em gửi đến tiệm. Có thể đây là phong cách viết của em? Cá nhân chị thấy rất thích phong cách này, không rườm rà, rất mạch lạc và hướng người đọc đến được trọng tâm câu chuyện chỉ bằng một vài câu.
Điểm mạnh của em là những câu thoại hết sức bình dị mà lại gần gũi, không mang lại cảm giác màu mè hay quá văn chương. Điều này cũng rất hợp lý khi xét về bối cảnh truyện em viết; làng quê, chòm xóm Việt Nam. Tuy nhiên, giọng văn của em chưa thật sự ấn tượng. Một vài chỗ còn in đậm phong cách viết truyện Trung: "rốt cuộc vẫn không nhịn được mà nói," hay "ba tôi rốt cuộc phải trải qua những gì"... Em vẫn có những lỗi đánh máy và chính tả như: "cỷa" (của), "cởi" (cưỡi ngựa), "nghĩ học" (nghỉ học), "luýnh huýnh" (luýnh quýnh), "bà thiếm" (bà thím)... Ở một số đoạn, em dùng "cha" thay cho "ba" như từ đầu truyện. Em có thể dùng cả hai từ này để chỉ một người. Tuy nhiên, cần lưu ý khi nào dùng, khi nào không. Ví dụ, em có thể viết "người cha" khi tả, như "Ông là một người cha mẫu mực", nhưng khi gọi nhân vật, em nên chỉ sử dụng một từ mà thôi. Ngoài ra, còn một chỗ em dùng từ "ghé qua" trong câu "Vì dành dụm tiền cho quãng đường đại học của tôi, ba tôi đã ghé qua nghề thợ xây." Ở đây, chị nghĩ em nên chọn từ khác thích hợp hơn, như "làm thêm/ gánh thêm..." hay từ khác. Vì "ghé qua" thường không được sử dụng trong trường hợp này, khi đọc lên nó khá cấn.
Các đoạn miêu tả của em đa số đều ổn, nhưng có một vấn đề chị thấy được trong hai đoạn khác nhau em viết. Đoạn "Nhà tôi thiếu đôi tay đảm đang... họ sẽ chẳng biết được chốn tiên ấy là do ba tôi gieo trồng và chăm sóc." Ở đây, em muốn giới thiệu khu vườn mà ba trồng ở đoạn sau. Nhưng khi đọc đến đó và so lên các đoạn trước em viết, chị đã phải dừng lại và tự hỏi "chốn tiên" là đâu, có phải cái vườn không, sao chưa thấy cái vườn? Thế nên chị nghĩ rằng em nên giới thiệu cái vườn trước. Tương tự như thế, ở đoạn "Chính căn nhà ấy... vết thương mà sóng đã cứa vào." Từ đầu cho đến đoạn ấy, không có chỗ nào miêu tả nơi xảy ra câu chuyện ở biển. Thế nên việc em đưa hình ảnh sóng vào đây không hợp lí cho lắm, nó khiến chị tự hỏi: sóng ở đâu ra? Em có thể chọn một hình ảnh gắn liền với bối cảnh để nó không bị "lạc quẻ," chẳng hạn như so sánh vết thương lòng như gai hồng ngoài vườn đâm vào, v.v... Hay như đoạn cuối: "Tôi đứng trước hiên, nhìn ông dẹp dụng cụ vào góc nhà lại dáng người đã bị thời gian ghì xuống của ba..." Dường như câu này thiếu một cái gì đó trước chữ "lại," vì nó không mạch lạc.
Truyện được viết như những dòng tự sự của nhân vật "tôi" - Thiên An. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất giúp Mèo đào sâu hơn vào tâm lí nhân vật, lột tả được hết cái tủi thân khi không có mẹ, tình thương người cha tần tảo nuôi mình ăn học, nhất là sự dằn vặt khi nhìn người nuôi nấng mình bệnh tật mà mình lại không giúp đỡ được nhiều hơn... Đó cũng chính là tiếng lòng của những người con đã trưởng thành. Chị thường không thích đọc truyện theo ngôi kể thứ nhất, vì nó thường khá lan man và nhân vật trút quá nhiều tâm sự khiến cho chị không thể giữ được tập trung hay tò mò với cốt truyện nữa. Thế nhưng, ở "Ba tạo ra những điều kì diệu," Mèo không lạm dụng việc bộc lộ nội tâm nhân vật, miêu tả vừa đủ, vừa tới khiến người đọc có thể cảm thông cho nhân vật. Thiên An được miêu tả kỹ từ khi còn bé đến khi trưởng thành. Sự thay đổi trong cách suy nghĩ, cách hành động của cô cũng khá rõ ràng. Cô không còn khóc hay nhắc đến mẹ như khi còn bé. Cô đã biết quan sát và quan tâm ba mình nhiều hơn, thậm chí còn nhận ra được sự vô tư của mình trong những năm tháng còn bé, còn đi học. Đó là sự phát triển nội tâm nhân vật chính xác, hợp lí, không thay đổi ngay mà dần dần theo thời gian; đây cũng là một điểm nữa chị đánh giá cao ở truyện. Ngoài ra, nhân vật "ba" cũng là một người kiên định, chịu thương chịu khó, chung thủy từ đầu đến cuối truyện. Vừa là cha, vừa là mẹ, chăm sóc cho An để cô không hề thua kém những đứa trẻ có đủ cha lẫn mẹ.
Tóm lại, tuy vẫn còn đôi chỗ cần xem lại, "Ba tạo ra những điều kì diệu" là một câu chuyện tình gia đình ấm áp, khiến ta biết quý trọng hơn người thân của mình, đặc biệt là trong mùa dịch này. Chị xin kết bài cảm nhận bằng đoạn cuối truyện của Mèo, cũng như tâm tư của những người con đã lớn: "Thượng đế ơi, xin người hãy bảo bọc cho những người cha. Những người đã trao cuộc đời mình cho con cái mà không thèm nhăn nhó đôi mày. Những người cha mà khi họ buồn, sẽ chẳng ai biết là họ cũng muốn khóc, cũng thấy tổn thương và hi sinh cho con không kém gì người mẹ..."
Mong rằng những câu chuyện của em sẽ luôn ấm áp, tràn đầy tình người như thế này. Cảm ơn em đã đến với tiệm.
Chào em,
Tiệm Trà Chiều.