Phần 1
Ánh dương
trong tim tôi
Tác giả: Xám
Truyện được in trong tập truyện ngắn "Yêu là yêu" - Người trẻ Việt (2014)
Vui lòng không re-up
***
Có ai lí giải được tại sao tôi lại yêu em?
Có ai đã từng đi từ Bắc Bán Cầu đến Nam Bán Cầu rồi chợt nhận ra
người yêu thương đang ở ngay bên cạnh mình? Có ai thấy một cô gái yếu
đuối lại là nơi dựa vững vàng cho một thằng đàn ông như tôi? Em là
ánh sáng đưa tôi về cuộc sống. Em cho tôi tin rằng không một ai trên
cõi đời này vô dụng cả. Và em dạy tôi biết đón nhận niềm tin và cho
đi yêu thương. Đơn giản một chút, chỉ vì trái tim tôi nó đã bảo
"Em là ánh dương cứu rỗi đời anh!"
***
Những phân tử ánh sáng rơi vào võng mạc,
ánh sáng từ phía cửa sổ hắt vào căn phòng kín làm cả căn phòng
tươi tràn sức sống. Dõi mắt ở một nơi nào đó xa xăm qua ô cửa nhỏ,
tôi vẫn ngồi tựa lưng trên chiếc giường hầm hập hơi nóng do nằm quá
lâu. Những ngón tay gầy guộc với móng tay khá dài chạm lên mặt cửa
kính, tôi đang khao khát được chạm ra thế giới bên ngoài. Tôi thèm đặt
đôi chân trần đi trên những mầm cỏ non mơn mởn ở vườn hoa. Tôi muốn
hứng đầy trên vai từng gánh nắng vàng rộm đầu ngày. Tôi ước có một
cơn gió mang theo mùi cỏ dại tạt ngang mũi mình. Tất cả là một sự
thèm thuồng đến trỏ dãi. Làm sao ra ngoài đây?
Đặt chân xuống đất và bước đi - đó có vẻ là hành động rất đơn giản
với một người bình thường. Nhưng đối với tôi, việc nhích chân chạm
xuống sàn cũng là một thách thức. Đưa mắt dõi về chiếc xe lăn nằm
trơ trọi ở góc phòng, cạnh nó là chiếc nạng dựa vào góc tường, tôi
thấy hận chúng vô cùng. Sao tôi phải dựa vào hai thứ chết tiệt đó
để mà đi lại? Ắt là sau lưng tôi đang có khối người đang cười cợt và
hả dạ lắm đây mà! Ừ, tôi là một thằng què! Đời tôi tàn thật rồi!
Khép lại 23 năm làm một đứa ăn hại!
Trong tâm trí, hình ảnh thác loạn ngày nào cứ ùa về ồ ập. Tôi nhớ
những năm sống bạt mạng của mình. Nhớ mình phung phí tuổi thanh xuân
mình biết bao nhiêu!
Tôi đốt tương lai mình trong những lần
cúp học, trốn tiết, sa đoạ ở vũ trường, xa lộ, sòng bạc. Tôi nướng
tiền của vào những trò chơi điên rồ, vô bổ, phung phí đồng tiền mồ
hôi nước mắt của gia đình. Tôi truỵ lạc trong những cuộc tình phù
phiếm và đám bạn dựa hơi tiền bạc của mình. Tôi sống trong nó ngần
ấy năm, và cũng gần như chết trong nó. Cũng vì nó mà tôi đánh đổi
mất một chân của mình.
Hình ảnh đoàn xe đi "bão" phóng trên đại lộ, bóng tối còn
phải kinh sợ với vẻ man rợ của chúng tôi. Gió táp ào ào vào mặt,
rát buốt. Chiếc xe lao như điên giữa đường. Âm thanh động cơ xe xé toạt
màng nhĩ. Và... ánh đèn pha chói loà đập vào mắt... Chiếc xe tải lao
vào tôi một cách kinh hoàng. Ánh sáng lóe dữ dội rồi nhanh chóng tàn lụi thành
một cõi tối tăm. Tôi chìm trong thế giới đen đặc giữa ranh giới của sự sống và
cái chết. Cái lúc người ta sắp chết đi tưởng chừng sẽ chết đi lại thấy bản thân
nhỏ nhoi và yếu ớt vô cùng. Sao tên thấn chết ấy chưa mang tôi đi? Hắn ban cho
tôi còn sống để trả giá cho những tháng năm trác táng của tôi sao? Hắn muốn
trêu ngươi tôi, muốn tôi sống không bằng chết, sống trong cuộc đời tật nguyền
này mãi mãi. Cơn đau đến mất đi ý thức... Tôi mê man trong cuộc chơi cược
mạng với tử thần, thua đến thảm hại.
Thế đó, tôi đã trả một cái chân cho sự bồng bột của một cuộc chơi,
cho một tuổi trẻ sai lầm. Cái giá đắt quá nhỉ?
Thời gian nằm viện cả tháng trời và lúc ở yên trong phòng tĩnh lặng
như thế này đủ cho tôi chiêm nghiệm ra nhiều thứ. Chợt thấy mình đã
bỏ đi biết bao điều tuyệt diệu của cuộc sống này để chạy theo một
lối sống sai lầm, sa đoạ. Tôi còn là tôi nữa không?
Bản lề của cánh cửa gỗ nặng nề nhè nhẹ dịch
chuyển, vang lên âm thanh cót két, có người vào phòng. Tôi thu mắt trở về căn
phòng nhỏ, làn da thiếu sức sống tái nhợt dưới ánh nắng hồng hào. Cái dáng nhỏ
nhắn khép nép bưng bát cháo một cách cẩn thận vào trong, cô gái có mái tóc cột
đuôi gà và bộ đồ quê trớt, duy chỉ có bộ mặt thanh tú là đỡ chán ghét nhất khi
phải chạm mặt.
Tôi nhích cao cái gối sau lưng lên để sửa dáng ngồi, hừ lạnh, đôi mắt bao hàm
tia ghẻ lạnh. Con bé này là osin mới à? Ha ha, bà mẹ lắm tiền nhiều của của tôi
cũng hay thật. Đêm qua tôi vừa tống cổ con osin cũ ra khỏi nhà thì hôm nay mới
sớm đã có ngay một con sen mới. Tính cho đến hôm nay tức là đã có bảy người
giúp việc bị đuổi việc vì tôi và chắc chắn rằng con bé này sẽ là người thứ tám.
“Bốp! Loảng xoảng!”
– Cút ra ngay! Tôi không muốn ăn! – Chiếc gối trắng phi thẳng và mặt con nhỏ
người ở khiến nó loạng choạng làm đổ cả tô cháo xuống sàn, mảnh vỡ của cái tô
sứ văng tứ tung, cháo loang chảy nhớt nháp trên mặt sàn. Tôi hét lên với vẻ mặt
gay gắt nhất.
Con nhỏ nhìn tôi vẻ vẻ mặt thảng thốt rồi
nhanh chóng cúi gằm mặt nhặt số mảnh vỡ dưới sàn. Tôi giấu cái chân
không-nguyên-vẹn trong lớp chăn dày. Cút ra mau để đừng thấy tôi thảm hại như
thế! Con nhỏ ấy sẽ như bao người sẽ cười cợt tôi vì cái chân khốn kiếp này.
Đáp lại tôi bằng gương mặt bình thản tựa mặt hồ xanh trong. Đôi mắt kia không
còn mang vẻ kinh sợ như vừa rồi. Con nhỏ đó lẳng lặng dọn sạch bãi “chiến
trường” tôi vừa gây ra, xếp dọn mớ mảnh tô vỡ ngổn ngang vào khay, lấy khăn lau
sạch sàn, cử chỉ tận tụy và chẳng màng đến tôi. Nó đi ra ngoài, không chào tôi
lấy một cái.
Năm phút sau, nó lại bưng lên một tô cháo nóng hổi.
“Bốp!” – Cái gối còn lại cũng phi thẳng
tới, nhưng con nhỏ đã có kinh nghiệm một lần nên né đi dễ dàng, tô cháo nguyên
vẹn trong khay. Lần này nó đã đến gần bên tôi, cử chỉ không còn khép nép mà bạo
dan hơn.
Tôi gằn:
- Điếc à? Tôi bảo là không muốn ăn kia mà!
Con nhỏ dửng dưng như không cần quan tâm. Bực mình, tôi hất tay khi tô cháo
đang dần di đến trước mặt mình.
“Loảng xoảng! Loảng xoảng!”
Tô cháo bị hất vào bàn tay ấy, rất thô bạo. Con nhỏ cau mặt, ôm lấy bàn tay đỏ
hỏn vì chất nóng đặc sệt vừa mới tạt vào tay, nhưng không rên lấy một tiếng,
chỉ trân mắt nhìn tôi. Nó lại cắm cúi lượm mảnh vỡ dưới sàn. Rồi ra ngoài.
Tôi khựng người, cau mày. Con này ngu nhỉ?
Tô cháo lần thứ ba được bưng lên. Không có
vật thể nào ném tới, không có cánh tay ai hất đi, và cũng không có ai bưng dâng
tận tay tôi. Tô cháo đặt trên bàn, như lấy lệ. Tôi nhìn lướt qua bàn tay nhỏ
kia, vết phỏng đã sưng phồng thành một vệt lớn. Con nhỏ osin đi vào phòng tắm,
tôi nghe có tiếng xả nước. Chưa bao giờ thấy một đứa giúp việc kiêu như nó.
Lát sau, con nhỏ đem ra một thau nước ấm và
một cái khăn bông trắng, thì ra nó muốn lau mình cho tôi. Vẫn giữ vẻ khinh
khỉnh trên mặt, tôi trừng mắt nhìn nó, hắng giọng:
- Ra ngoài!
Con nhỏ cứng đầu! Nó cúi đầu làm như con điếc. Bàn tay bị phỏng nhúng chiếc
khăn khô vào nước ấm, vắt khô. Con nhỏ giúp việc tới gần tôi.
- Cút ra! – Tôi hét lên, gạt tay nó ra, nhích người ra xa nó, cái chân còn đau
nhức làm tôi khó khăn khi dịch chuyển.
Bàn tay cứ áp gần đến mặt tôi, lau nhẹ.
“Ào!”
- Chết tiệt! – Tôi rủa, kèm theo một cái
gạt tay hung bạo nữa hất nguyên thau nước đặt trên tủ đầu giường vào người nó.
Con sen ấy ướt như chuột lột, nó trân mắt nhìn tôi đăm đăm.
Dùng hết sức xô con bé yếu ớt ra, tôi cũng loạng choạng theo nó. Con nhỏ té dài
xuống mặt sàn ẩm nước.
- Má mày! Mày điếc à? Ông bảo mày cút ra!
Vẫn cái mặt liệt ra không tỏ vẻ sợ hãi hay tức giận, con osin lượm cái thau
nước lại, rồi cứ chú mục vào tôi. Những cử chỉ từ bàn tay ướt sũng nước, nó giơ
ngón trỏ lên miệng mình, rồi chỉ qua tai mình, lắc lắc đầu. Tức là nó nói nó
vừa câm, vừa điếc?
Tôi có phần ngỡ ngàng, lặng người đến khi
cái dáng ướt sũng đó đi ra khỏi phòng mình. Lão mẹ à, hay thật! Bà cũng biết
cái chơi xỏ thằng con của bà lắm! Tôi là thằng què, chăm nom thằng què là một
con vừa câm vừa điếc. Ha ha, ý bà là đang chỉ thằng con trai của bà “hết xài”
được nữa rồi? Cho tôi cái con tàn tật này sai vặt cũng như đang hi hả tát thẳng
vào mặt tôi thôi. Ừ, bà hả dạ chưa? Giờ còn thằng nào ở không phá tiền bà được
nữa? Ha ha!
Ngồi một mình trong phòng, tôi cười loạn cả lên, cười như điên. Nhà không chỉ
có một thằng què, mà thằng đó còn bị điên nữa! Nói cười mà nước mắt trào ướt
khóe mi, cay xè. 23 năm sống trên đời kiêu hãnh, đến lúc chịu nhục nhã quả là
chưa quen.
***
Tính đến nay là tròn hai tháng sau vụ tai nạn, mấy vết sẹo xây xát trên người
đã kéo da non. Vết cắt dưới chân tôi có vẻ ngứa ngáy lắm, da non kéo lên sắp
lành mà, nhiều khi tự nhiên tôi mong như loài thạch sùng khi bị mất đuôi, rồi
không lâu sau nó lại mọc đuôi mới. Cái chân băng gạc trăng ngứa xót khó chịu,
hình như tôi đang mong một điều điên rồ là nó sẽ mọc ra một cái chân mới cho
tôi. Hoang đường quá phải không?
Bạn bè cũ không có một đứa ghé thăm. Khốn nạn thật! Khi tiền của đầy người thì
chúng bu quanh tung hô như lãnh tụ, khi tôi nằm ở nhà với cái chân ghê tởm này
thì bao nhiêu đứa bạn đã từng khua môi múa mép là “bạn chí cốt”, “có phước cùng
hưởng” đã phắn đi đâu mất dạng. Vậy mà tụi bây nói là bạn của tao sao? Một lũ
chó heo giả tạo! Tôi ngậm ngùi, lại cười chua chát.
Cánh cửa phòng lại mở ra. Đúng giờ. Vẫn là
10 giờ 30 phút sáng, như một quy tắc, con nhỏ ấy (mà ai cũng biết là ai) lại
đẩy cửa vô phòng của tôi, không cần gõ cửa. Nó nào có sợ tôi. Vẫn là tô cháo
trắng và phần trứng muối như thường lệ. Không hiểu sao mà từ hôm đầu tiên nó
gặp tôi, ngoài lần bị hành hung hôm đó ra thì tôi chả thèm đá động tới nó. Có
lẽ là tôi chả tìm ra lí do gì mà bắt nạt nó. Nó câm – điếc, tôi cụt giò, tính
ra là một phận “đồ bỏ” như nhau. Tàn sát chi nhau?
Con nhỏ cứ lơ tôi, tô cháo đặt bên bàn,
không mời mộc ai, dọn phòng như một cỗ máy. Nó như người máy được lập trình làm
hết công việc cần làm, kể cả lau người cho tôi. Tôi xem nó như không khí. Công
việc của tôi hằng ngày là nằm trên giường đảo mắt hết ra sân vườn phía bên dưới
nhà và dán mắt vào những chương trình ti vi chán ngắt. Ngồi nhìn nó lăng xăng
lau dọn phòng mà thấy vui mắt nhỉ? Tô cháo đặt trên bàn, nguội lạnh.
- Ê! – Tôi gọi.
Nó đang lúi húi dọn dẹp, ngẩng mặt.
- Ngoài món này ra mày không có món nào khác nữa à? Có biết suốt một tuần mà cứ
“cháo trắng hột vịt muối” rồi lại “hột vịt muối cháo trắng” là ngán lắm không?
Nó bỏ cái khăn lau bàn xuống, làm một lèo
mấy động tác thủ ngữ mà tôi thề là hiểu được gì sẽ sùi bọt mép chết ngay tại
chỗ.
Tôi lắc đầu:
- Tao không có biết mấy cái động tác múa múa của mày có ý nghĩa gì đâu! Biết
viết hôn? Làm ơn mày viết ra dùm tao cái!
Con nhỏ lại cái bàn học (đã từ lâu không dùng tới) của tôi, cầm cây viết và tờ
giấy não, viết xong, đưa tôi:
“Thực đơn của bà chủ ra.”
Hừ, lại là mẹ! Bà già định mưu sát tôi bằng
đồ ăn à? Ăn ngán đến chết!
Lại hỏi:
- Tao muốn ăn cơm! Thèm cơm rồi!
Nó quay mặt đi, không chào.
- Ê! Mày đi đâu?
Nó dừng chân lại, đưa tôi tờ giấy:
“Đi báo bà chủ.”
Tôi vò nát tờ giấy, rủa:
- Con mẹ nó! Bả là cái thá gì mà cái gì cũng “bà chủ”, “bà chủ”,? Mày nín cái
cụm từ đó dùm tao được không?
Nó quay lại, lấy giấy bút, viết rất lâu.
“Thứ nhất: Bà chủ là người thuê tôi làm
việc, tôi phải nghe lời bà.
Thứ hai: Đó là mẹ của cậu, đừng ăn nói cay nghiệt như thế! Bà chủ lo cho cậu
lắm!
Thứ ba: Tôi không phải tên “Ê”, cũng không phải tên “mày”, đừng xưng hô lung
tung.”
Tôi khoanh bàn tay lại, nhìn nó, nhướn mắt hất hàm:
- Bà chủ thì là chủ của mày. Bà ta lo cho tao? Hừ, láo phét! Bà già ấy lo cho
cái tiếng tăm nhà này bị tao đạp đổ thì có. Bao năm trời bả quan tâm gì tao? Từ
hồi ông già mất đến nay bả chỉ cắm mũi vô cái công ty của gia đình bả. Ba tao
là một kẻ nhu nhược bị lão bà đó xỏ mũi dắt đi mười mấy năm, đến khi ổng quy
tiên thì bả cùng có thương tiếc gì đâu. Mày nghĩ coi chồng bả mà bả còn chẳng
cần thì cần chi cái thằng phá gia chi tử này? Còn mày hả? Tao có biết tên mày
là gì đâu mà không gọi “mày”, gọi “Ê”!
Cái nhún vai khẽ khàng của con sen “hách
dịch”, nó chẳng đếm xỉa đến tôi, chỉ đưa tôi dòng giấy gọn lỏn mấy câu:
“Ngu ngốc. Mù quáng. Trẻ con!” – Xong bưng khay cháo đi xuống nhà.
Con quỷ trời đánh! Nó ăn nói với chủ nó lếu láo như vậy à? Muốn bị đuổi việc
rồi đây!
Tôi hằm hằm mặt, xé nát tan tờ giấy.
Muộn hơn 30 phút sau, cơm canh được dọn lên phòng, con nhỏ lần này thận trọng
kéo cái bàn ở sô pha tới gần giường tôi, đặt đồ ăn lên. Mùi đồ ăn thơm phức.
Tôi nhớ mùi cơm chín vô cùng, cả tháng nay thiếu nó cứ như là một cực hình mỗi
lần giờ ăn tới vậy. Tôi bưng chén ăn ngấu nghiến, quên mất vụ xử tội con giúp
việc hỗn hào đó. Bụng đang đói lẫn có đồ ăn ngon, ăn hăng hái quên mất thù hằn.
Riêng con nhỏ ngồi đối diện tôi, chống cằm.
- Mày khoái dòm miệng người ta lắm à?
“Chờ dọn.”
- Mày nấu mấy thứ này à?
Nó gật đầu, rồi lại nhăn mặt:
“Tôi là Dương, không phải “mày”!”
Tôi trừng mắt:
- Thôi đi! Ở đợ mà tự trọng gớm!
Con nhỏ mím môi lại, vẻ mặt ức chế:
“Tôi không phải ở đợ, nhưng dù có làm công
đi nữa thì ai trên đời này cũng có lòng tự trọng mà! Tôi yêu cầu cậu tôn trọng
tên tuổi của tôi!”
- Hài thật ha! Mày không là osin chứ làm
cái quái gì trong nhà tao? – Tôi khua đũa, nhếch mép.
“Điều dưỡng riêng của cậu.”
Tôi suýt sặc. Mèn ơi, hèn chi con nhỏ này
xử lí vết thương thành thục gớm, tôi cứ tưởng nó mới được bà mẹ tôi cho người
dạy chứ!
- Hừ, điều dưỡng gì ăn mặc lôi thôi như con sen chứ?
“Nghèo, không có đồ đẹp. Làm ngoài giờ không cần đồng phục.” – Đáp vậy đấy.
- Rồi mày làm mấy việc lặt vặt này làm chi?
“Hỏi thật ngoài tôi thì có ai dám bước chân vô phòng cậu không?”
Tôi gãi đầu. Ừ thì không, trừ khi nó ăn gan trời (như con nhỏ này).
Nó ghi tiếp:
"Tất nhiên tôi phải vào dọn rồi, không
dọn cho nó thành ụ rác à? Cậu sẽ bình phục sao nổi với cái phòng bẩn thỉu như
vậy?”
Con nhỏ này làm tôi quê thật. Cha nó, sao giờ nó mới nói? Mà dù là gì đi nữa hễ
chọc điên tôi thì chỉ có một đường là cuốn gói đi thôi. Là con sen hay điều
dưỡng đặc biệt cũng hệt nhau.
Ăn xong, nó lúi húi gom chén đũa lại, đưa cho tôi li nước lọc. Đột
nhiên tôi muốn làm một việc, cái việc đã ham muốn từ lâu.
- Dương. - Lần đầu tiên gọi tên nó, cũng vì mong được giúp đỡ thôi.
Nó ngẩng mặt, chớp mắt.
Tôi thấm giọng bằng ngụm nước, nhìn sâu vào đôi mắt kia.
- Giúp tôi cái này... Tôi muốn ra vườn dạo!
Cũng là lần đầu tiên tôi thấy con nhỏ mỉm cười, nó gật đầu đồng ý.