Phần 2
***
Nhà tôi có khoảng sân rất rộng, ngập tràn bóng cây. Đang độ hoa kiểng ra hoa, mùi hương nức mũi lan trong không khí. Tôi nhắm mắt, trong lành quá! Cảm giác khoan khoái, dễ chịu vô cùng, thứ cảm giác rất lâu rồi mới tìm lại.
Dương đẩy xe lăn đi chầm chậm vòng quanh sân, nắng len lõi như những quả trứng gà từ trên những tán cây rọi xuống. Lâu rồi không ra nắng, nhìn da thịt tôi trắng bệch như người chết ấy. Tôi bảo cô ta dừng bên cái hòn non bộ nuôi đầy cá chép vàng ở nhà, tôi muốn tự tay cho lũ chép ăn. Đám cá háu ăn trồi lên đớp mồi, mắt long lanh như ngọc. Vô thức, tôi đã cười.
"Thường ra ngoài chơi sẽ giúp anh mau lấy lại tinh thần hơn đấy!"
Con bé đưa cho tôi mẩu giấy note nho nhỏ. Lúc nào tôi nói chuyện nó cũng chăm chăm vào mặt tôi, hình như nó đoán ý tôi nói qua khẩu hình miệng.
- Lâu rồi mới dám ra. Tôi thực sự không muốn người ta thấy tôi như thế này!
"Thảm hại?" - Nó hỏi.
Tôi tiu nghỉu:
- Ừ, thảm. Đúng là lên voi xuống chó thật!
Con nhỏ điều dưỡng kì lạ tiếp tục trao đổi với tôi bằng những mẩu giấy nhỏ.
"Là anh tự gây ra, trách được ai?"
- Hừ! - Tôi cười mỉa. - Trên đời này chả có gì đáng tha thiết cả. Tôi chả biết sống vì cái quách gì. Tiền của ở nhà ăn tám đời chưa hết, lao vào ăn chơi cho đỡ phí tuổi trẻ. Mà giờ đời cũng khép rồi, cụt chân thế này còn chơi bời được gì!
"Thật đáng thương cho những kẻ không có mục đích sống!" - Con nhỏ lắc đầu, thở dài.
Tôi hỏi:
- Vậy cô đang sống vì cái gì?
Cái cười nhẹ nhàng:
"Vì đời cần tôi! Tôi thiếu một giọng nói, tôi không khái niệm của âm thanh nhưng tôi cho đời một trái tim tràn đầy nhiệt huyết; không ngại gian khó; một đôi mắt biết nhìn ra cái thiện, cái ác, biết khóc cho những điều đáng thương."
Tôi đan tay, bắt đầu thấy mấy câu của nó cũng thú vị.
- Nhưng cô sẽ làm được gì khi trong mắt những người bình thường, cô là những người khuyết tật?
Nhỏ nhìn đau đáu vào mắt tôi, có một niềm tin sáng ngời.
"Tôi tật nguyền, chứ không phế thải! Không ai trên đời này là "đồ bỏ đi" cả! Anh cũng vậy!"
Tôi mở to mắt, cười khanh khách:
- Tôi ư? Há há, khi toàn vẹn đã mang danh ăn hại, giờ tàn phế thế này cũng đếch làm được gì!
"Nói như anh thì ngài Nguyễn Ngọc Ký đã không trở thành giáo sư, biết bao người tật nguyền khác cũng đã không thành vận động viên được. Anh xem thường một người mắc khiếm khuyết trên cơ thể quá! Kể cả tôi, nếu tôi không phấn đấu, liệu tôi có chinh phục được mơ ước của mình?"
Tôi cúi đầu, lặng thinh. Ừ thì... Sao tôi giống cô được? Tôi đâu biết sống vì cái gì.
Con nhỏ tiếp tục ghi:
"Anh đã sống cuộc đời của ai?"
Trầm ngâm, tôi đáp:
- Cô biết không, hồi nhỏ tôi học giỏi lắm đấy! Tôi còn là học sinh giỏi quốc gia nữa cơ! Ba mẹ tự hào về tôi lắm, họ dồn hết niềm tin vào tôi. Họ đặt ra cho tôi những chuẩn mực nghiêm khắc nhất. Tôi phải giỏi toàn diện. Dần dà, nó trở thành nổi ám ảnh với tôi. Tôi ghét trường học, sách vở và cả ba mẹ, tất cả cướp hết đi tự do của tôi. Gia đình tôi chỉ được cái vỏ hào nhoáng bên ngoài, bên trong thì rỗng tuếch. Ba mẹ li thân, gia đình rạn nứt, họ chỉ lo cho đời sống riêng của mình, bỏ quên tôi. Tôi sa sút dần, tập tành ăn chơi cho quên đời. Hai năm trước ông già mất, tôi bỏ hẳn chương trình đại học đang dang dở, bắt đầu sống loạn lạc tới giờ. Rồi trong một lần làm "hung thần tốc độ", tôi bán một chân của mình cho tử thần luôn!
Cô gái tặc lưỡi, nhún vai.
"Tội nghiệp. Anh đâu xấu xa đâu, anh chỉ đã đi nhầm vài bước thôi."
- Giờ làm sao?
"Đi lùi lại. Quay đầu là bờ!"
Trong nắng, tôi thấy gương mặt đó thuần khiết như một thiên thần.
- Sẽ sống với ý nghĩa gì? - Tôi hạ giọng, trầm buồn.
Nhỏ cười trong veo, dúi vào lòng bàn tay tôi mảnh giấy, cách nắm tay tôi rất chặt như truyền cho tôi một niềm tin mạnh mẽ.
"Anh phải sống. Sống vì anh, vì mọi người, vì cuộc sống này cần anh. Anh sống để cảm ơn vị bác sĩ đã đưa anh về từ cõi chết. Anh sống để biết ơn người đã hiến máu cho anh trong cơn nguy kịch. Anh sống để xoa dịu những giọt nước mắt của một người phụ nữ thương con nhưng đã căm lặng trong cái vẻ cứng cỏi. Anh sống để nhớ những người đã quan tâm, lo lắng cho anh. Anh sống để cho đi trái tim biết yêu thương, biết rung cảm, nhân ái. Nếu chết đi, anh phải chết cho thật đáng! Nếu chết mà không để lại những vết cắt sâu hoắm trong tim của những người ở lại thì anh cứ việc chết đi!"
Trong tim xốn xang. Có bao giờ người ta mang cho tôi sự tin tưởng như vậy. Có bao giờ tôi thấy được mình hữu ích. Có bao giờ tôi biết yêu thương một ai. Tôi đã sống quá ích kỉ. Tôi chỉ mong người ta chú ý tới mình, ngoài ra chẳng màng đến ai. Tôi chỉ biết bỏ ra ngần ấy năm hoang phí cho những suy nghĩ lệch lạc, bốc đồng, nông nổi. Cô như đang cố mở ra cho tôi một cánh cửa mới, đón tay tôi trong nắng mai, đưa tôi về với cuộc sống thực sự.
Bờ môi khô nẻ khẽ mấp máy, tôi nhìn Dương, ánh mắt tràn đầy hi vọng:
- Sống? Tôi sẽ làm được ư?
Dương gật đầu, vịn vai tôi.
"Hãy tin tôi! Anh làm được!
***
Tôi tập đi. Sẽ không có ai đỡ lấy mình, tôi phải tự giữ thăng bằng, tự học cách làm quen với “cái chân mới”. Tuy vậy nhưng tôi không lo lắng, vì tôi biết mỗi lần tôi bị mất thăng bằng thì sẽ có một cánh tay đỡ lấy mình, truyền cho tôi thêm sức mạnh, là Dương, cô điều dưỡng nhỏ bé luôn ủng hộ, chăm sóc tôi nhiệt tình. Dương không như tôi từng nghĩ, em hay cười và rất đảm đang. Em có một trái tim thuần khiết, cao đẹp khiến tôi luôn ngưỡng mộ. Mọi khó khăn và chán nản của tôi khi phải tập đi lại đều tan biến khi tôi nhìn thấy Dương cười, vì tôi biết tôi đang làm tốt, tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để thấy nụ cười hài lòng của em.
Hướng Dương đặt trước ban công phòng tôi một chậu hoa, là hoa hướng dương, cũng là tên của em. Dương bảo là: “Hướng dương luôn hướng mình về mặt trời, dù ánh nắng có chói chang, khắc nghiệt bao nhiêu thì cánh hoa mong manh vẫn kiêu hãnh khoe sắc. Hướng dương đẹp dịu dàng và mang một sức sống mãnh liệt, nó đại diện ánh sáng, lẽ phải, cho những chân lí bất diệt. Hãy sống kiêu hãnh như hướng dương, luôn ngẩng cao đầu và nhìn về tương lai tươi sáng. Anh hãy gạt bỏ quá khứ sai lầm, cứ tiếp tục bước trên con đường mới. Hãy tin bản thân mình sẽ làm được, anh nhé!”
“Hì, tin anh! Anh sẽ làm được! Dương ạ!”
***
Tôi đã đi thành thục trên cái chân giả. Tuy dáng đi còn khập khiễng nhưng mà khi mặc quần dài và mang dài bata thì khó ai biết tôi bị mất một chân. Dương khen tôi hồi phục rất tốt. Tôi cũng mừng. Cứ nghĩ là mình sẽ chẳng còn cơ hội đứng vững trên đôi chân này, vậy mà giờ đây tôi có thể trở lại như trước kia. Tôi không còn tuyệt vọng và mặc cảm nữa. Khoảng thời gian tịnh dưỡng, tôi đọc rất nhiều sách, một cách giết thời gian bổ ích đó chứ. Từ những trang sách, tôi đã thấy mình trong đó: Đi sai đường. Vấp ngã. Tuyệt vọng. Oán hận. Tịnh tâm nghĩ suy. Rồi hi vọng, nỗ lực làm lại cuộc đời. Tất cả như một giấc mơ dài, khi tỉnh dậy thấy mênh mang quá. Tự thấy bản thân mình lớn hẳn ra. Sống đã khó, làm người còn khó hơn gấp bội. Nhớ khoảng thời gian trước đây mà tôi chợt rùng mình. Lại mỉm cười, nếu không có Dương thì tôi ra sao?Tôi hay nghĩ về Dương, về những gì em đã nói với tôi. Tôi hay nhớ tới nụ cười đẹp đó. Tôi thích gương mặt cố che nét căng thẳng khi thấy tôi chật vật tập từng bước đi. Tôi thích ngắm em lặng lẽ làm công việc, lúc đó thấy em thật hiền. Đầu óc tôi tràn đầy hình ảnh của em. Mỗi lần nghĩ đến em thì trong lòng lại thấy ấm áp lạ kì. Là cảm giác gì đây?
Hôm nay Dương nói sẽ đưa tôi đến một nơi, là nhà của cô ấy. Trên đường đi, em mua rất nhiều quà bánh. Tôi trợn mắt, hỏi em mua cho ai, Dương phì cười: “Em mua cho “các con” của em!”
Dương có con sao? Tin được không nhỉ?
À, đã có đáp án rồi! Em giới thiệu cho tôi “lũ trẻ” của em. Một đám con nít nheo nhóc bé còn bồng trên tay, đưa ba bốn tuổi, đứa dăn bảy tuổi bu lấy “mẹ Dương” líu ríu. Mấy đứa con nít có đôi mắt trong veo như thiên thần, giọng còn ngọng nghịu, ôm chầm lấy cô gái cạnh tôi. Tôi phì cười, lắc đầu. Con của em là lũ trẻ con ở cô nhi viện. Giờ tôi mới biết Dương là cô nhi. Cha mẹ mất trong tai nạn giao thông, em không còn người thân, lại mất khả năng nói, thính giác trở nên rất kém sau một cơn bạo bệnh, thế là em vào đây sống. Từ môi trường thiếu thốn tình thương này đã rèn dũa nên một cô Dương mạnh mẽ, quật cường, mang tâm hồn đẹp như mặt gương soi. Em làm ai biết đến cũng ngưỡng mộ.
Có một thằng bé thích bám lấy tôi, nó có đôi mắt rất to và lúm đồng tiền trên má, dễ thương chết đi được. Tôi hỏi nó có ước mơ không, thằng bé vỗ ngực, tự hào:
“Mai mốt lớn con muốn làm bác sĩ. Con muốn chăm sóc cho mọi người y như mẹ Dương vậy!”
Cái ước mơ nhỏ bé của cậu nhóc cũng làm tôi hổ thẹn, ngay cả một đứa trẻ cũng có một khao khát đẹp như vậy. Còn tôi, hơn hai mươi năm sống mà chẳng bao giờ nghĩ đến được những điều cao đẹp như vậy. Khoảng cách để so sánh tôi và em còn xa vời quá. Biết bao giờ tôi thấy mình làm được như Dương?
***
- Chúng ta cho nhau một cơ hội nhé?
“Sao?”
- Năm năm. Cho anh năm năm để sống. Anh sẽ làm được những điều em làm được!
“Được không nhỉ?”
- Không có gì anh không thể làm được – em đã bảo thế cơ mà!
“Hì! Em tin anh! Em sẽ chờ! Năm năm đâu là quá lâu!”
- Cảm ơn em!
“Cố lên!”
- Cố lên!
***
Chuyến phi cơ hạ cánh trở về quê mẹ thân yêu. Từ trên máy bay, tôi đã nôn nao đặt chân trên mảnh đất quê hương vô cùng. Mẹ ôm lấy tôi, bà khóc trong vui mừng. Lão thái hậu mít ướt! Con trai về mà sao lại khóc kia chứ! Thật là!
Mẹ tôi già hơn xưa, tóc bạc hơn nửa đầu, mắt đầy vết chân chim nhưng nét quý phái của bà vẫn không thay đổi. Bà cứ nắm chặt tay tôi, rối rít mừng. Lão bà à, đã đến lúc nên nghỉ ngơi rồi, hãy để con gánh vác trách nhiệm của công ty. Mẹ hãy nghỉ ngơi đi!
Mẹ nhắc tới Dương, cô gái hay đến bầu bạn mỗi lúc bà cô đơn. Tôi cười thầm, người ta đang tập tành làm dâu thảo cơ mà. Năm năm sống ở xứ người, nếu không có những dòng thư động viên của em, tôi cũng không thể phấn đấu hết mình cho việc học của mình.
Mẹ tôi cứ tíu tít mãi vì cô gái khéo nịn, khéo làm bà vui. Tính Dương ngoan hiền như vậy mà ai không thương. Nghe bà ta kể mà tôi cứ vui thầm suốt khoảng đường về.
Nằng nặc bỏ lại bà mẹ lắm lời trên chiếc Lexus trở về biệt thự, tôi nháy mắt, cười bí ẩn với bà:
- Con đón dâu về cho mẹ!
***
Cô gái đang bế trên tay đứa bé vài tháng tuổi, cô gái có mái tóc dài quá lưng, đen nhánh, đôi mắt sâu, màu nâu bình lặng. Dương lớn hơn xưa, thời gian làm vẻ đẹp của em thêm mặn mà hơn. Những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo nuôi dưỡng ở cô nhi viện được em chăm sóc chu đáo vô cùng. Tôi cứ đứng nhìn em, em cứ mải mê với công việc của mình. Em không cất tiếng cười bằng giọng, em cười bằng đôi mắt của mình.
Bé nhóc có đôi mắt to ơi là to năm nào bây giờ đã lớn, cũng cỡ 14, 15 tuổi rồi đây. Nó đứng nheo mắt nhìn tôi, rồi hét ầm lên:
- Mẹ Dương ơi! Ba Hoàng về rồi này! Ba Hoàng nè!
Nhóc con nhớ dai thiệt, tốn bao nhiêu kẹo dụ dỗ nó kêu mình bằng ba, giờ nó kêu ba Hoàng luôn rồi. Ba Hoàng với mẹ Dương! Ha ha!
Cô gái cúi đầu nhìn thằng nhóc đang kéo lấy vạt áo mình, giơ tay làm thủ ngữ loạn xạ. Dương quay đầu, dõi mắt ra trước sân nhìn tôi, nước mắt tràn mi.
Em giao đứa bé bế trên tay cho cậu nhóc cạnh mình giữ, tay che lấy miệng, cười hân hoan rồi chạy ào ra sân, nơi tôi đang đứng. Tôi mỉm cười, đưa bàn tay giấu sau lưng ra, những bông hoa hướng dương tươi thắm tròn đầy một bó, tặng cho em. Dương sụt sịt đưa tay đón lấy.
Tôi đưa tay vào ngực mình, rồi làm thành hình trái tim, bàn tay lại chỉ đến người đối diện. Động tác này ý nói là “Anh yêu em” đấy!
Tháng 4/2013.
The end
Truyện cùng tác giả